BÍ QUYẾT TRẢ LỜI: “Bạn còn câu hỏi nào cho chúng tôi không?” THỂ HIỆN SỰ CHUYÊN NGHIỆP

Phỏng vấn là một quá trình trao đổi thông tin hai chiều giữa ứng viên và nhà tuyển dụng. Đây vừa là cơ hội để bạn thể hiện những điểm mạnh của bản thân, đồng thời cũng là một thách thức lớn khi gặp phải những câu hỏi khó từ nhà tuyển dụng. Một trong những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng đến 99,9 % ứng viên mắc sai lầm khi phỏng vấn là “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”. Nếu câu trả lời là “không” sẽ làm mất điểm với nhà tuyển dụng. Hãy cùng tham khảo bí kíp trả lời câu hỏi đó để ghi điểm trong bài viết dưới đây nhé.

 

 

Tại sao nhà tuyển dụng thường hỏi: “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”       

Phỏng vấn là cơ hội để ứng viên và nhà tuyển dụng có thể trao đổi trực tiếp thông tin, mong muốn của nhau. Sau buổi trao đổi, nhà tuyển dụng thường sẽ đặt câu hỏi mở như “Bạn có câu hỏi gì không?” ngầm thông báo buổi phỏng vấn kết thúc và muốn thăm dò cách ứng xử của ứng viên. Lúc này, nếu bạn trả lời là “không” chắc chắn buổi phỏng vấn sẽ kết thúc và rất khó có cơ hội làm việc tại công ty. Bởi đây là câu trả lời khiến bạn hoàn toàn rơi vào thế bị động và cũng đủ cho nhà tuyển dụng  thấy bạn chưa thật sự quan tâm đến vị trí ứng tuyển. Ngược lại, nếu bạn đặt những câu hỏi quá đơn giản, không mang tính xây dựng vô tình phô bày khuyết điểm thiếu sắc sảo của bản thân. 

Bởi thế, khi nhà tuyển dụng “nhường sân” bạn hãy khôn khéo đặt những câu hỏi mang tính khai thác và cho thấy nhiệt huyết đối với công việc. Đây vừa là thách thức, cũng là cơ hội dành riêng cho bạn.

 

Những câu hỏi bạn nên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Như đã đề cập, việc đặt lại câu hỏi cho nhà tuyển dụng rất quan trọng. Nó góp phần lật ngược tình thế, giúp bạn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Tuyệt đối không được đặt những câu hỏi đóng chỉ nhận lại câu trả lời là “có” hoặc “không”. Hãy cùng tham khảo “TOP những câu hỏi đắt giá” dành cho nhà tuyển dụng dưới đây nhé.

Những câu hỏi liên quan đến vị trí công việc 

Đặt câu hỏi liên quan đến công việc là vô cùng cần thiết. Bởi bạn phải biết bản thân cần làm những gì khi nhận việc để có những phác thảo sơ nét về vị trí làm sắp tới. Việc đặt câu hỏi liên quan đến công việc cũng cho thấy bạn quan tâm và nhiệt huyết với công việc này.

  • Ngoài những mô tả trong JD (Job description) tôi có phải làm thêm những việc nào nữa không? Nếu có thì đó là công việc gì, chiếm bao nhiêu phần trăm trong khối lượng công việc của tôi?

  • Công ty có yêu cầu gì về kết quả làm việc của ứng viên trong vòng 6 tháng hay 12 tháng sau khi nhận việc?

  • Ai sẽ là người đánh giá kết quả công việc của tôi? Thời gian đánh giá diễn ra bao lâu một lần?

Những câu hỏi liên quan đến công ty

Chẳng có công ty nào mong muốn nhân viên mình không quan tâm đến công ty cả. Chính vì thế, bạn cần phải đặt những câu hỏi về công ty cho thấy bạn có tầm nhìn xa và muốn gắn bó lâu dài tại môi trường làm việc mới này.

  • Phúc lợi mà tôi nhận được khi làm việc ở công ty là gì?

  • Quy mô nhân sự của phòng ban hiện tại như thế nào?

  • Xin cho biết hướng phát triển của công ty trong 5 năm tới?

Những câu hỏi dành cho người phỏng vấn bạn

Chúng ta thường có xu hướng rất thích nói về bản thân. Vì thế, hãy dành từ 1 đến 2 câu hỏi cho người phỏng vấn bạn. Việc này sẽ giúp cho người phỏng vấn cởi mở hơn, thông qua đó giúp bạn có những đánh giá sơ nét về môi trường làm việc mới này. Nếu đây là một môi trường làm việc tốt, chắc chắn người trả lời sẽ cho bạn thấy được những ưu điểm tại đây. Ngược lại, bạn có thể xem xét có nên tiếp tục cho vòng phỏng vấn tiếp theo không để tránh làm mất thời gian đôi bên.

  • Anh/ chị làm việc ở đây được bao lâu rồi ạ?

  • Anh/ chị có thích môi trường làm việc ở đây không?

  • Anh/ chị thấy môi trường làm việc ở đây như thế nào?

Những câu hỏi trước khi kết thúc phỏng vấn

Trước khi ra về, đừng quên dành cho nhà tuyển dụng những câu hỏi liên quan về kết quả phỏng vấn. Điều này cho thấy bạn quan tâm và mong muốn cơ hội làm việc tại công ty. Chính thái độ nhiệt huyết và hào hứng muốn có cơ hội làm việc tại đây sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao về bạn.

  • Khi nào tôi biết được kết quả phỏng vấn?

  • Tôi phải giữ liên lạc với ai để được thông báo kết quả phỏng vấn?

Những câu hỏi không nên hỏi trong khi phỏng vấn

Thông thường những thông tin về công ty đều được thể hiện rõ trên website hoặc google. Trong buổi phỏng vấn không nên đặt những câu hỏi về công ty mà bạn hoàn toàn có thể tra cứu được trên internet. Đừng biến bạn trở nên thất bại chỉ vì những câu hỏi vô hồn như thế.

  • Công ty kinh doanh mặt hàng gì?

  • Công ty thành lập khi nào?

  • Ai là chủ của công ty?

 

Trên thực tế sẽ có nhiều tình huống xảy ra khi phỏng vấn, tùy thuộc vào hoàn cảnh bạn có thể lựa chọn câu hỏi cho phù hợp. Tuy nhiên, bạn nên khôn khéo trong việc đưa ra câu hỏi hợp lý, khai thác được nhiều khía cạnh liên quan đến công việc, tránh lan man khiến câu hỏi trở nên sáo rỗng. Một câu hỏi hay sẽ nâng tầm bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Vì thế, hãy tận dụng cơ hội giúp bạn trở nên khác biệt hơn so với ứng viên khác nhé.

 

Nguồn: tổng hợp

Vũ Thị Lệ
Vì sao nên chọn FORMAT
  • Chúng tôi luôn chia sẻ rõ ràng, minh bạch tầm nhìn, định hướng của tổ chức, hướng tới sự đồng lòng, giúp mục tiêu của các nhân viên phù hợp với mục tiêu của tổ chức
  • Mỗi cá nhân đều đóng góp những giá trị riêng cho tổ chức, đều cần được tôn trọng và tạo điều kiện để họ phát triển
  • Chúng tôi xây dựng một môi trường làm việc thân thiện & đầy tình yêu thương